Header Ads

  • Breaking News

    KIẾN THỨC VỀ LỊCH SỬ PHẬT GIÁO LÀ VÔ CÙNG CẦN THIẾT

     KIẾN THỨC VỀ LỊCH SỬ PHẬT GIÁO LÀ VÔ CÙNG CẦN THIẾT

    Học đạo thì đầu tiên phải biết giáo lý. Sau đó, vì ngưỡng mộ giáo lý nên ta tìm hiểu về giáo chủ để biết lịch sử của giáo chủ. Khi tìm hiểu về giáo chủ, ta phát hiện rất nhiều đệ tử xuất sắc của giáo chủ đã có những thành tựu phi thường về đạo quả, đã hỗ trợ sự giáo hóa của giáo chủ, đã kế thừa giữ gìn đạo lý của giáo chủ sau khi giáo chủ qua đời.
    Đạo lý là Pháp, giáo chủ là Phật, các đệ tử xuất sắc là Tăng. (đệ tử phàm phu tầm thường thì không tính trong Tam Bảo nhé)
    Hôm nay ta tìm đến với Đạo Phật thì đã qua trung gian không biết bao nhiêu đời các vị tổ đức nối truyền, ngót hơn 2500 năm. Trong suốt thời gian dài đằng đẵng đó, Đạo Phật đã chịu nhiều sự biến đổi, cải cách, thích ứng, thêm thắt, bỏ bớt, pha trộn, chế biến... Ta không bao giờ tìm thấy được một Đạo Phật như thuở ban đầu nữa. Ngay cả các sư Theravada tự cho mình là nguyên thủy cũng không còn đúng với tinh thần gốc của thời Đức Phật nữa, ví dụ Đức Phật sử dụng ngôn ngữ ai cũng hiểu thì bây giờ các sư sử dụng ngôn ngữ Pali ít ai hiểu. Cái tinh thần giam giữ kinh điển trong ngôn ngữ ít ai biết đó là không còn đúng với tinh thần hoằng hóa rộng rãi của Phật.

    Bên Bắc Tông thì sự cải cách là cực kì táo bạo, thay đổi thêm bớt rất nhiều đạo lý mới, thậm chí nói ngược lại với đạo lý của Phật luôn, thậm chí thay thế Phật tổ Như Lai bằng một vị Phật khác luôn... Ta thì ngây thơ dễ tin, thầy bổn sư ta dạy cái gì thì ta chấp giữ cái đó, đâu ngờ ta giữ một số điều ngược lại với Giáo chủ cao siêu của tất cả chúng ta. Chính thầy bổn sư của ta cũng không hề hay biết rằng mình đã tu khác hẳn với đạo lý ban đầu của Phật tổ. Ai cũng tưởng mình được học đạo lý tu hành đúng hệt thời Đức Phật.

    Ngày hôm nay, nhờ sự tiến bộ của khoa học công nghệ, ta dễ dàng tìm kiếm tài liệu, đối chiếu sách vở, so sánh dữ liệu, để rồi khám phá ra các giai đoạn lịch sử của Phật giáo kéo theo các thay đổi giáo lý rất nhiều.
    Giống như dịch bệnh côrona vừa rồi làm bộc lộ sự yếu kém của hệ thống y tế các nước hùng mạnh, cũng vậy, khoa học công nghệ tràn tới làm bộc lộ sự yếu kém của Phật giáo ở chỗ không đương đầu nổi với sự lôi kéo tín đồ ra khỏi chùa dần. Trừ người già ít biết về công nghệ, còn lại ai cũng bị điện thoại thông minh, TV, phim ảnh, mạng xã hội, Facebook, Twitter, máy tính, game... lôi cuốn hết thời gian. Chùa là cái gì xa lạ, ít cần thiết cho đời sống trừ khi nhà có đám tang (!). Hậu quả vắng vẻ đìu hiu của các chùa là do chùa thiếu sức mạnh đạo lý của Phật giáo. Nếu đúng là đạo lý của Phật thì dù khoa học công nghệ có tiến bộ đến vũ trụ bao la thì con người vẫn yêu quý Phật Pháp vì sự lợi ích, sự cao siêu, sự cần thiết, sự mầu nhiệm trong đó vượt hơn tất cả, dẫn đầu tất cả.

    Ta mờ mịt không hiểu rõ lịch sử của Phật giáo nên không biết vào thời kỳ nào thì xuất hiện pháp môn mới nào, do ai tạo ra. Ta cứ tưởng mọi pháp môn đang có mặt hiện nay đều là của Phật, đâu ngờ rất nhiều pháp môn do vị nào đó chế tạo mới đưa vào, và vẫn núp dưới danh nghĩa của Phật mà thôi.
    Chính vì không đúng của Phật nên mất dần sức mạnh thuyết phục lôi cuốn mọi người, nhất là mọi người trong thời đại công nghệ hiện đại này. Chùa cứ vắng dần.

    Những đạo lý của Phật có sức mạnh chuyển hóa ghê gớm là luật Nhân quả Nghiệp báo, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, mục tiêu Vô ngã, Thiền định, Tam vô lậu học Giới Định Tuệ... càng tu càng vỡ ra những chân trời tươi sáng.
    Chừng nào các tăng ni dám quay lại nghi ngờ pháp môn mình đang tu là chưa chắc phải của Phật dạy mà chỉ vị tổ nào đó sáng chế đưa vào, thì Phật giáo sẽ có hy vọng được củng cố để phát triển.

    ST

    Không có nhận xét nào

    Post Top Ad

    ad728

    Post Bottom Ad

    ad728